Ở Nhật Bản, cứ hai người thì lại có một người được chuẩn đoán mắc ung thư, tuy nhiên tỉ lệ tầm soát ung thư tại đây vẫn chưa đạt được mục tiêu 50% như đề ra bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát hiện sớm ung thư, nhiều người vẫn không hề có động thái đi kiểm tra, viện cớ ít thời gian hoặc bận rộn, việc này chỉ khiến tình hình thêm nghiêm trọng do triệu chứng của ung thư những giai đoạn đầu thường khá ít. Nhận thấy tình trạng này, các nhà nghiên cứu của Hitachi đã đặt ra câu hỏi sau: Liệu có thể phát triển một phương pháp đánh giá sơ bộ nguy cơ ung thư đơn giản hơn phương pháp tầm soát ung thư truyền thống, bằng việc sử dụng nước tiểu, nhờ đó mỗi người đều có thể tự lấy mẫu mà không phải đi khám?
■Các tỉ lệ tầm soát ung thư (lứa tuổi 40 đến 69; tầm soát ung thư tử cung (ung thư cổ tử cung): 20 đến 69 tuổi; nguồn: “Tổng quan khảo sát toàn diện các điều kiện sinh hoạt năm 2016”, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, Nhật Bản) Các tỉ lệ tầm soát ung thư (lứa tuổi 40 đến 69; tầm soát ung thư tử cung (ung thư cổ tử cung): 20 đến 69 tuổi; nguồn: “Tổng quan khảo sát toàn diện các điều kiện sinh hoạt năm 2016”, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, Nhật Bản)
Từ năm 1981, ung thư xếp hàng đầu trong các nguyên nhân tử vong tại Nhật Bản. Ấn phẩm Thông tin và kiểm soát ung thư phát hành bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội khẳng định rằng cứ hai người Nhật lại có một người được chuẩn đoán mắc ung thư và một trong số ba người đó qua đời do ung thư. Mặc dù tỉ lệ tử vong của Nhật Bản đang tăng lên, nếu loại bỏ nguyên nhân chính là sự già hóa dân số thì tỉ lệ này sẽ giảm xuống bất chấp số lượng các ca chuẩn đoán mắc ung thư vẫn ngày một nhiều thêm.*1 Đây là nhờ hiệu quả của việc chuẩn đoán và chữa trị sớm cùng các tiến bộ trong y tế. Cho dù chính phủ đang đặt mục tiêu tầm soát ung thư là 50%, nhưng nếu không tính tỉ lệ ung thư phổi ở nam giới thì các tỉ lệ tầm soát ung thư hiện rơi vào khoảng 30 đến 40%.
*1:Theo Trung tâm Ung thư Quốc gia, tỉ lệ tử vong do ung thư ở lứa tuổi 75 trở xuống tại Nhật (tính tất cả các loại ung thư trên mỗi 100.000 người), tỉ lệ tử vong đã giảm 15,6% trong 10 năm qua, từ năm 2005 đến 2015, từ 92,4 người xuống còn 78,0 người.
Tỉ lệ tầm soát ung thư của người Nhật thuộc hàng thấp so với các quốc gia khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Mặc dù trong những năm gần đây, Nhật Bản đã hợp sức cùng cộng đồng quốc tế nhằm nỗ lực nâng cao nhận thức về ung thư vú và cổ tử cung ở phụ nữ, tỉ lệ tầm soát ung thư trong giới này vẫn gây nhiều thất vọng. Các lý do cho việc không đi tầm soát ung thư thường là “ít thời gian” và “quá phiền phức,” thậm chí nhiều hơn cả lý do “tự tin vào sức khỏe bản thân” thường thấy ở những người từ 40 đến 59 tuổi vẫn đang sung sức làm việc. Thái độ chung thường là không tiến hành xét nghiệm y tế nếu chưa nhận thấy có thay đổi về sức khỏe, ví dụ như những triệu chứng của các căn bệnh thông thường. Điều này khiến việc chuẩn đoán sớm ung thư hết sức khó khăn. Thay vì cho rằng ung thư chỉ là vấn đề của người khác, ta cần phải xem nó là vấn đề mật thiết liên quan đến bản thân và gia đình bằng cách đối mặt với nó, bắt đầu từ việc đi phát hiện sớm ung thư.
Đối với các nhà nghiên cứu của Hitachi, tình trạng này là cơ hội để xem xét lại các chiến lược hiện tại. Họ tự hỏi bản thân, liệu có phương pháp thông dụng nào giúp mọi người đều có thể nhận thức được nguy cơ ung thư và dễ dàng tiến hành xét nghiệm ung thư mà không phải đi khám? Mặc dù tầm soát ung thư khi chưa xuất hiện triệu chứng giúp ta chuẩn đoán khả năng bị ung thư, nhóm nghiên cứu Hitachi nhận thấy cần phải có con đường đơn giản hơn để nhận thức được nguy cơ ung thư. Tiến hành một hướng tiếp cận mới, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào phương pháp sử dụng nước tiểu.
■Tỉ lệ tầm soát ung thư ở phụ nữ (Tổng quan về sức khỏe 2015 của OECD, OECD)
Quốc gia (năm khảo sát ở trong ngoặc) |
Tỉ lệ tầm soát ung thư cổ tử cung (lứa tuổi 20–29) |
Tỉ lệ tầm soát ung thư vú (lứa tuổi 50–59) |
---|---|---|
Hoa Kỳ (2012) |
84.5% |
80.8% |
Anh Quốc (2013) |
78.1% |
75.9% |
Hà Lan (2013) |
64.7% |
72.2% |
Úc (2012) |
57.3% |
55.0% |
New Zealand (2013) |
77.0% |
72.2% |
Hàn Quốc (2013) |
51.7% |
64.3% |
Nhật Bản (2013) |
42.1% |
41.0% |
Minoru Sakairi, giám đốc khoa học, đang tiến hành phân tích với sắc kế lỏng độ phân giải cao/khối phổ kế (LC/MS) ở Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Trung ương tại Kokubunji
Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay vẫn chưa có tiền lệ xét nghiệm ung thư bằng nước tiểu, điều này buộc các nhà nghiên cứu phải bắt đầu từ con số không. Do nước tiểu, một chất được lọc qua thận, được coi là chứa ít thông tin hơn máu nên chưa có nhiều người quan tâm đến việc sử dụng nó làm mẫu thử cho tầm soát ung thư.
“Trên thực tế, người ta cho rằng nước tiểu có chứa gần 5000 loại chất chuyển hóa,” Minoru Sakairi, giám đốc khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khám phá, thuộc nhóm Nghiên cứu và Phát triển của Hitachi, cho biết. “Do đó cần phải có những phân tích tỉ mỉ sử dụng các công nghệ phân tích thống kê và phân tích hiện đại. Chúng tôi vẫn luôn duy trì tích lũy những nghiên cứu này.”
Các mẫu nước tiểu chứa thông tin lâm sàng cụ thể để xác định xem đối tượng lấy mẫu có ung thư hay không được lấy từ một trung tâm uy tín trên thế giới. Hơn 1300 chất chuyển hóa phát hiện trong đó đã được phân tích toàn diện. Các chất biểu hiện sự tồn tại hoặc diễn biến của một loại bệnh nhất định được gọi là “dấu ấn sinh học”. Các chất có liên hệ với ung thư, hay còn được gọi là “các chất chỉ điểm ung thư”, cũng là biểu hiện cho sự hiệu quả của liệu pháp điều trị ung thư. Quá trình phân tích chi tiết đã cho ra kết quả 30 chất chuyển hóa phù hợp để trở thành dấu ấn sinh học giúp phân biệt giữa người khỏe mạnh và người có ung thư. Sakairi giải thích thêm:
“Để phân tích các chất chuyển hóa trong nước tiểu một cách toàn diện, chúng tôi đã sử dụng sắc kế lỏng/khối phổ kế (LC/MS). Sau khi đo bằng LC/MS và tập trung vào sự khác biệt giữa độ tan trong nước và chất béo của các chất chuyển hóa nhằm tối ưu các điều kiện đo, chúng tôi đã có thể phát hiện hơn 1300 chất chuyển hóa trong các mẫu nước tiểu. Sử dụng 30 dấu ấn sinh học trong số đó, các giá trị đo lấy từ 15 ca ung thư vú, 15 ca ung thư đại trực tràng và 15 đối tượng khỏe mạnh đã chứng minh bước tiến đột phá của chúng tôi trong công tác phân biệt giữa ung thư và không phải ung thư.”
Dự án này đã chứng minh rằng phân tích mẫu nước tiểu có thể là một phương pháp hiệu quả giúp nhận diện nguy cơ ung thư. Tầm soát ung thư vẫn chưa phải là vấn đề mà mọi người cho là cấp thiết. Tuy nhiên, nếu có cơ hội được thực hiện kiểm tra ung thư sơ bộ, họ chắc chắn sẽ thay đổi thái độ đối diện nguy cơ ung thư của mình.
“Xét nghiệm máu truyền thống chỉ hỗ trợ một dấu ấn sinh học một lần. Xét nghiệm nước tiểu, công nghệ chúng tôi đang nghiên cứu, hỗ trợ nhiều dấu ấn sinh học một lúc. Từ đó, ta có khả năng phân biệt chính xác hơn.” (Minoru Sakairi, giám đốc khoa học)
“Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi sẽ hợp tác cùng các bệnh viện đại học trong nước để sử dụng một lượng lớn mẫu vật nhằm xác định các dấu ấn ung thư. Chúng tôi hi vọng việc tăng thêm số lượng dấu ấn sinh học sẽ cho phép phân tích chi tiết loại ung thư, giai đoạn ung thư và thậm chí cả hiệu quả chữa trị, đồng thời có thể nâng cao tính chính xác của công tác phân tích.” (Minoru Sakairi, giám đốc khoa học)
Hiện tại, chúng tôi cũng bắt đầu triển khai theo hướng ứng dụng thực tế (bộ xét nghiệm, v.v.) và hướng đến ứng dụng rộng rãi như một phương pháp hỗ trợ từng cá nhân tiếp cận với tầm soát và chữa trị ung thư.
Sakairi chia sẻ, “Khi mọi người biết đến việc tầm soát thông qua phương pháp đơn giản giúp đối diện với nguy cơ ung thư này, miễn là ta có thể tìm cách tạo nên một hệ thống cho phép bất cứ ai cũng có thể thực hiện tầm soát ung thư nhanh, tôi tin rằng các tỉ lệ tầm soát ung thư sẽ tăng lên.”
Trung tâm Nghiên cứu Khám phá, nơi đang thực hiện nghiên cứu này, là nơi tập trung các dự án nghiên cứu và phát triển tiên tiến được tiến hành với tầm nhìn dài hạn trên cơ sở hợp tác với nhiều tổ chức nghiên cứu. Với NEXPERIENCE, phương pháp phối hợp tìm giải pháp của Hitachi, các công nghệ được tạo ra tại đây đang được phát triển thành các ứng dụng thực tế như các dịch vụ có thể đóng góp cho xã hội. Trên thực tế, công nghệ phân biệt ung thư dựa vào chất chuyển hóa trong nước tiểu từ nghiên cứu này hiện đang là đối tượng của dự án phối hợp tìm giải pháp giữa Hitachi và công ty bảo hiểm Aflac. Hợp tác cùng các nhà chức trách địa phương trên toàn quốc, Aflac hiện đang thực hiện các hoạt động giáo dục với mục tiêu tuyên truyền nhận thức đúng đắn về ung thư và tăng tỉ lệ tầm soát ung thư. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của Aflac và các công nghệ của Hitachi là nền tảng vững chắc để xem xét tạo ra các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm mới nhằm khuyến khích phát hiện và điều trị sớm ung thư, hứa hẹn đóng góp cho một xã hội khỏe mạnh và thịnh vượng.
Sakairi kết luận, “Thậm chí trong những lĩnh vực không nhận được nhiều sự chú ý trong quá khứ, như đối tượng của dự án này, chúng ta sẽ phát triển được những công nghệ mới nhờ tiến hành phân tích thống kê và phân tích nâng cao, mà đây là một phần nghiệp vụ của Hitachi. Công tác này yêu cầu tích lũy nghiên cứu, mà nó có thể được coi là nghiệp vụ tốt nhất của chúng tôi.”
Ghi chú: Một phần của dự án nghiên cứu này được thực hiện với sự hỗ trợ của dự án Nghiên cứu Đột phá cho các Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Y khoa, Tiến bộ Y tế thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y khoa Nhật Bản (AMED).
Ngày phát hành: Tháng 11 năm 2017
Giải pháp của: Hitachi, Ltd. Nhóm Nghiên cứu & Phát triển